Anh Nguyễn Hoàng Nam, sinh viên Đại học Công Đoàn, bán hoa tại khu vực Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết, so với 14/2 năm ngoái, hoa năm nay bán chậm hơn. Buổi sáng, mỗi cành hồng đỏ Đà Lạt có giá 30.000 đồng, song đến trưa, anh phải hạ giá 20.000 đồng nhưng cũng không có nhiều người hỏi mua. "Cũng có thể vì trời mưa, ít người ra đường nên hoa bán chậm. Tôi hy vọng đến chiều tối, khách sẽ đông hơn", Nam chia sẻ.
Suốt từ sáng đến đầu giờ chiều, trời mưa phùn rả rích, nhiều hàng hoa trên các trục Tây Sơn, Khâm Thiên, Nguyễn Chí Thanh, Đê La Thành, Cầu Giấy... (Hà Nội) thưa khách. Tại vỉa hè trên trên đường Hồ Tùng Mậu, đoạn trước Đại học Thương Mại, hơn chục dãy hàng hoa cũng trong tình trạng vắng khách trong ngày Valentine.
Thu Hồng, sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội bán hoa và chocolate tại Hồ Tùng Mậu cho biết, hồng đỏ gói thành bó to là phân khúc chỉ dành cho những người thu nhập khá. Mỗi bó hồng có giá từ 200.000 đồng trở lên, riêng hồng gói to giá 500.000 đồng chỉ dành cho những người thu nhập cao.
|
Nhiều khách hàng chọn hoa hồng lẻ thay vì chọn bó hoa to. Ảnh: Bách Hợp |
"Khách chủ yếu hỏi mua hồng đỏ, theo cành đơn, giá khoảng 20.000 đồng. Xu hướng của khách năm nay là mua cành lẻ", chị Hồng cho biết.
Chị Hồng cho hay, những bó hoa to chủ yếu dành cho những cặp đôi có khả năng về tài chính. "Chỉ những vị khách nào đi xe ôtô hoặc trông thật bảnh, tôi mới dám mời", chị Hồng tâm sự.
Tại nhiều cửa hàng hoa, để câu khách, không ít chủ bán kèm chocolate. Gói nhỏ nhất khoảng 6 viên kẹo chocolate vào khoảng 80.000 đồng. Gói to và xịn hơn dao động khoảng 150.000 đồng- 380.000 đồng tùy loại.
Chị Minh, bán hoa trên đường Nguyễn Chi Thanh chia sẻ, tối 13/2, nhiều khách sẵn sàng đặt một bó hoa hồng nhung 15 bông với giá 380.000 đồng thì nay tình thế ngược lại. Một bó hoa như vậy hạ giá còn 200.000 đồng cũng không có nhiều khách mua. "Chocolate bán kèm thì túc tắc có bạn trẻ hỏi, song số đông chỉ mua loại nhỏ, dưới 100.000 đồng", chị Minh ngán ngẩm.
Đối lập với thị trường hoa, tại nhiều rạp chiếu phim rơi vào cảnh cháy vé. Tại rạp chiếu phim Quốc Gia, hầu như tất cả vé xem phim tối ngày Valentine đã chật kín khách. Rạp Dân Chủ, MegarStar (ở Pico Mall) những chỗ ngồi đẹp cũng không còn.
|
Những chỗ ngồi đẹp tại nhiều rạp đã được đặt trước. Ảnh: Hà Đan. |
Tối 13/2, anh Mạnh Hùng (Cầu Giấy) cho hay, anh đến rạp chiếu phim Quốc Gia để đặt vé xem phim tối Valentine nhưng các ca từ 18h cho đến 22h đều cháy vé. "Tất cả các bộ phim chiếu trong tối Valentine đều hết sạch", anh Hùng cho biết.
Chiều ngày 14/2, quấy vé tại rạp Quốc gia cho hay, chỉ có phim 4D còn chỗ trống. "Trong dịp đặc biệt này, nếu muốn mua vé xem phim thường phải đặt trước ít nhất một ngày", này chia sẻ.
Trước Valentine một ngày, anh Quân (Mỹ Đình, Hà Nội) cũng đến rạp phim tại The Garden để hỏi mua vé cho tối 14/2, song các ghế đẹp cũng đã hết. Anh Quân kể, theo lời nhân viên bán vé, các suất chiếu lúc 19h25 trong ngày tình nhân, gần như đã "cháy" ghế đẹp. Nhân viên cho biết, hầu như năm nào, rạp phim dịp Valentine cũng cháy vé, nhưng năm nay có thêm một số phim "hot" nên lượng vé bán ra được nhiều hơn.
Chị Yến, dân phe vé chuyên nghiệp tại một rạp chiếu phim cho hay, trong ngày Valentine năm nay tất cả các ca từ 5h đến 21h đều đã hết sạch, chỉ còn lại ca đêm vào lúc 22h. Cũng theo chị, trong khi ngày thường, giá vẻ chỉ tăng khoảng 15.000-20.000 đồng, thì trong những dịp đặc biệt như Valentine, Noel, 8/3, giá vé theo đó cũng tăng gần gấp đôi, lên đến 200.000 đồng một cặp, trong khí vé gốc bán 120.000 đồng mỗi đôi.
"Rất nhiều khách gọi điện đến đặt trước. Ghế VIP hàng P, Q, R có đắt hơn song được nhiều bạn trẻ chọn vì chẳng ai tiếc tiền cho ngày đặc biệt này", chị Yến tiết lộ. |